Chuyên gia nhận định: Tiền trong dân còn rất nhiều, thị trường bất động sản sẽ chuyển biến tích cực

Thị trường bất động sản đang có tín hiệu phục hồi đầy tích cực. Các chuyên gia dự báo, bất động sản sẽ còn nhiều khởi sắc.

Tại Hội thảo “Triển vọng thị trường bất động sản sau dịch COVID-19” do báo Tiền phong tổ chức, TS Vũ Đình Ánh đã nhận định: “Kinh tế đi lên hay đi xuống, lượng tiền vẫn thế, thậm chí sẽ còn tăng lên. Tiền còn rất nhiều, chỉ đi từ túi người này sang túi người khác. Với diễn biến của thị trường chứng khoán và bất động sản thời gian qua, câu nói tiền trong dân còn rất nhiều là chính xác”.

Theo đó, TS. Vũ Đình Ánh phân tích, chứng khoán vẫn tăng, lên nhiều ở nhiều nhóm và đi vào các doanh nghiệp làm ăn tốt. Về nguyên lý, tiền phải có chỗ đi, dịch chuyển đâu đó, nó vào chứng khoán không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới chứng kiến sự bùng nổ của thị trường chứng khoán. Diễn biến này xảy ra tương tự với bất động sản. Đây là những kênh mà tiền đi vào khi sản xuất kinh doanh gặp khó khăn.

Đặc biệt, vị chuyên gia này còn nhận định: “Dòng tiền tới đây sẽ hiện thực hóa khoản lãi từ thị trường khoán sang bất động sản. Đó cũng là nguyên nhân cần quan tâm trong năm tới”.

Dự báo về kịch bản phục hồi của thị trường bất động sản, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, cần lường trước khả năng phục hồi của thị trường bất động sản sau một thời gian dài bị “đóng băng” để phát triển an toàn, lành mạnh, tránh dẫm vào vết xe đổ thời gian vừa qua. Theo TS. Nguyễn Đình Ánh, sự phục hồi thị trường bất động sản sẽ không có chuyện giống như lò xo bị nén do tất cả yếu tố về kinh tế và thị trường bất động sản bị ảnh hưởng sau 1 thời gian dài “đóng băng”

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển R&D DKRA Vietnam cho rằng, tâm lý tích cực phục hồi trên thị trường đã diễn ra trong một tháng qua. Các chủ đầu tư đang cố gắng giành giật lại những gì đã mất trong thời gian giãn cách xã hội. Trong thời gian giãn cách nhiều người lo lắng thị trường bị đóng băng nhưng chỉ trong tháng 7, sang tháng 8, tháng 9 doanh nghiệp đã chuyển sang bán hàng online… thị trường bất động sản bắt đầu khởi sắc.

“Điều đó cho thấy thị trường có những suy giảm đáng kể nhưng vẫn có những chuyển biến tích cực, người có tiền vẫn lựa chọn bất động sản là kênh đầu tư” – ông Nguyễn Hoàng nhìn nhận.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư kí Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam lại lạc quan tin tưởng vào nội lực của thị trường địa ốc. Ông Đính cho rằng, thời điểm trước ghi nhận những lần bật tăng của thị trường bất động sản trong giai đoạn 2020-2021 khi dịch bệnh được kiểm soát.

Đáng chú ý, báo cáo thị trường bất động sản quý 3/2021 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam vẫn ghi nhận lượng lớn giao dịch bất động sản diễn ra dù đây là thời điểm nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19.

Trước đó, báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam còn ghi nhận có lượng lớn giao dịch ngay cả trong lúc dịch bệnh. Từ thực tế đó, ông Nguyễn Văn Đính nhận định nội lực của thị trường bất động sản vẫn mạnh nên khi dịch được kiểm soát, thị trường bật tăng rất nhanh, trở nên sôi động hơn.

BĐS Phú Mỹ – Bà Rịa: Cơ hội nào tăng trưởng sau đại dịch?

Lựa chọn đúng thời điểm, chọn đúng dự án để “xuống tiền” chính là yếu tố quan trọng quyết định cho sự thành công trong đầu tư bất động sản.

Nguồn cung BĐS khu vực phía Nam trong thời gian dịch bệnh

Năm 2021, tình hình kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng, trong đó ngành Bất Động Sản (BĐS) phía Nam bị tác động không nhỏ. Cụ thể, nhiều dự án phải hoãn lại đợi tình hình ổn định mới bung hàng, một số dự án vẫn được mở bán theo hình thức online. Thị trường giao dịch kém sôi nổi so với trước nhưng không bị sụt giảm về giá, bởi phía nhà đầu tư vẫn luôn tìm hiểu và lựa chọn dự án sinh lời trong tương lai. 

Theo đánh giá của chuyên gia BĐS:”Trong thời đại dịch, kinh tế có phần ảnh hưởng nhưng không vì thế mà các nhà đầu tư không tìm kiếm cơ hội sinh lời. Khi nhận thấy những dự án màu mỡ, có pháp lý minh bạch, vị trí tốt họ sẽ lựa chọn. Vì vậy, giá BĐS sẽ có xu hướng tăng mạnh sau đại dịch”.

Thị trường BĐS khu vực phía nam nhộn nhịp sau đại dịch

Quỹ đất của TP. HCM đã hạn hẹp, cho thấy nguồn cung trong phân khúc bđs trung tâm bao gồm cả đất nền và căn hộ đều giảm rõ rệt.

Nguyên nhân do các dự án lớn bắt đầu quy hoạch tại vùng ven đô, nổi bật là khu vực thị xã Phú Mỹ tỉnh BR-VT. Đây là điểm đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư, bởi vị trí thuận tiện và có những lợi thế không phải khu vực nào cũng có: nền Công Nghiệp mũi nhọn, Cảng biển sâu quốc tế Cái Mép Thị Vải, sân bay QT Long Thành, ngoài ra khu vực còn phát triển mạnh về Logistic và đặc biệt quỹ đất phát triển đất ở chỉ chiếm 1/3 tổng diện tích của toàn khu vực.

Hội BĐS Việt Nam nhận định: “Mặc dù, ngành BĐS phía Nam đang chịu ảnh hưởng, nhiều dự án bất động nhưng Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn sôi động. Trước những năm 2019, giá đất nền tại đây chỉ tăng từ 20 – 30%/năm, những năm trở lại đây có dấu hiệu tăng mạnh. Các nhà đầu tư đang chuyển hướng chọn các dự án đất nền pháp lý rõ ràng, tọa lạc tại những quỹ đất vàng, vị trí đắc địa”.

Bắt nhịp thị trường, một số khu dân cư tận dụng thời điểm ra mắt, mới đây, đơn vị Ario Group cho ra mắt  KDC Ario City với 55 nền mặt tiền quốc lộ 51 ngay trung tâm của thị xã Phú Mỹ, mang đến nhiều cơ hội tìm kiếm lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Những yếu tố khiến BĐS tại đây tăng trưởng mạnh chính là nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng phát triển, đủ mạng lưới giao thông: Thủy – Bộ – Không – Sắt, giúp nơi đây thành tâm điểm đầu tư BĐS của khu vực phía nam.

Hiện tại, giá mua BĐS ở trung tâm thị xã Phú Mỹ còn khá mềm so với các thị trường lân cận TP. HCM, nhưng khi cơ sở hạ tầng kết nối kinh tế khu vực phía Nam được đẩy mạnh đảm bảo giá sẽ tăng cao. Tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, được thủ tướng chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào ngày 23/9/2021 theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tuyến cao tốc  Bến Lức – Long Thành (đã hoàn thành 70%), giao với Cầu Phước An kết nối vào đường Liên Cảng cái Mép – Thị Vải hiện hữu. Tuyến đường Vành đai 4, được thủ tướng chính phủ phê duyệt thẩm quyền triển khai dự án cho các địa phương có tuyến đường đi qua vào ngày 29/9/2021. Cảng biển sâu Cái Mép Thị Vải: được Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế loại 1A , đây là nhóm cảng đặc biệt quan trọng, đảm nhận vai trò là Cảng trung chuyển quốc tế. Và đến thời điểm hiện tại, đã có 5 nhà đầu tư quan tâm đến dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ, bao gồm: Liên doanh Tập đoàn Geleximco – ITC; Liên doanh Việt Nam – EU (Besix – Boskalis – Hateco); CTCP IMG Innovations; CTCP Xuất Nhập khẩu Quốc tế Tân Đại Dương và CTCP Tập đoàn Mặt Trời. Sân bay QT Long Thành đang đẩy nhanh giải phóng mặt bằng của phần sân bay và 2 tuyến đường kết nối.

Sự phát triển đồng bộ sẽ đưa Thị Xã Phú Mỹ nằm trong top những vị trí có giá bất động sản tăng nhanh nhất tại khu vực phía Nam. Đặc biệt, phân khúc đất nền đô thị và nhà phố sẽ là tâm điểm đáng đầu tư. Dựa trên những chính sách đầu tư và bản đồ quy hoạch, khu vực thị xã Phũ Mỹ không còn nhiều quỹ đất trống và ngày đang khan hiếm dần.

Với định hướng phát triển “Thành phố đô thị loại II năm 2025 và Thành phố cảng năm 2030 ” cùng việc phát triển hàng loạt cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, khu du lịch, chính là cơ hội lớn cho thị trường bất động sản tại đây khởi sắc và tăng trưởng mạnh hơn nữa. Dự kiến chỉ trong vòng 5 năm tới, thị xã Phú Mỹ sẽ sánh vai với Hải Phòng và trở thành “Thượng Hải tại Việt Nam” thúc đẩy BĐS tăng gấp nhiều lần so với hiện tại.

Thị trường bất động sản đang phục hồi, liệu sốt đất có sớm xảy ra?

Các chỉ số trên thị trường địa ốc đang ghi nhận sự phục hồi đầy khả quan, với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, cùng nhiều động lực, liệu rằng thị trường bất động sản sẽ có xảy ra sốt đất?

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) và dữ liệu của batdongsan.com.vn đã ghi nhận tín hiệu tích cực từ thị trường địa ốc. Cụ thể, theo VARs, trước thời điểm nhiều địa phương bắt đầu mở cửa từ đầu tháng 10/2021 cho thấy, có khoảng 80% số nhà đầu tư được hỏi cho biết chờ ngày mở cửa trở lại để tìm sản phẩm mua vào.

Theo Batdongsan.com.vn, xu hướng tìm mua nhà đất trong tháng 9 tăng tới gần 55% so với tháng 8, trong đó phân khúc đất thổ cư có mức độ quan tâm tăng 2%, chung cư tăng 7%, đất nền tăng 2%. Ngay sau thời điểm chính sách giãn cách xã hội kết thức, lượng nhà đầu tư đổ bộ về các tỉnh tăng nhanh chóng.

Chia sẻ tại Hội thảo mới đây, Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định, thị trường bất động sản đang dần phục hồi.

Các số liệu trong 6 tháng đầu năm 2021 của thị trường bất động sản đã cho thấy dấu hiệu dần phục hồi khi đợt dịch thứ 3 được kiểm soát, có một số chỉ số tương đối khả quan.

Chia sẻ tại tọa đàm “Bất động sản trong xu thế mới – Linh hoạt để thích ứng” do Báo Người Lao Động tổ chức, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng nhận định, thị trường bất động sản đang có nhiều tiềm năng tăng trưởng tốt trong giai đoạn cuối năm.

Theo TS. Lực, nếu như trước đây, khi thị trường gặp khó khăn thì nhu cầu sụt giảm ngay lập tức. song ở đại dịch hiện nay, sự sụt giảm giao dịch của thị trường đến từ yếu tố thiếu hụt nguồn cung chứ không đến từ nhu cầu mua nhà suy giảm.

Một điểm khác biệt nữa đó là giá bất động sản không giảm trong thời điểm dịch. Giá bất động sản tại nhiều phân khúc trong 9 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng trung bình từ 9-17% so với cùng kỳ, điều này phản ánh sức mua thực của thị trường vẫn lớn, nhất là ở phân khúc căn hộ. Dòng tiền rẻ, lãi suất thấp ở các nước và cả ở Việt Nam khiến cho dòng tiền chờ vào bất động sản tương đối dồi dào thời gian qua.

Đặc biệt, nhiều phân khúc BĐS như văn phòng, nghỉ dưỡng, khách sạn gặp khó khăn nhưng các lĩnh vực khác vẫn hoạt động tốt trong dịch như bất động sản khu công nghiệp, logictics…

Thế nên, khi đánh giá về sự phục hồi của thị trường, ông Lực lạc quan tin tưởng bởi yếu tố kinh tế của Việt Nam được dự báo phục hồi khá nhanh, sẽ như một chiếc lò xo bật dậy mạnh mẽ sau kìm nén và thị trường bất động sản cũng sẽ đi theo sức bật này.

Ngoài ra, Chính phủ vẫn chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư công mạnh hơn, môi trường pháp lý được khơi thông qua việc sửa đổi 4 luật: Luật nhà ở, Luật đất đai, Luật kinh doanh BĐS và một số điểm trong Luật xây dựng.

Thêm một yếu tố khác đó là dòng vốn đổ vào bất động sản, dù trong tình hình dịch, dòng vốn đầu tư bất động sản vẫn tăng trưởng mạnh. Giá cổ phiếu bất động sản niêm yết tăng 21%, trong 9 tháng đầu năm.

“Các yếu tố trên cho thấy người dân đầu tư vào bất động sản, mua nhà và thị trường khó có chuyện nguội lạnh trong thời gian tới”- ông Lực khẳng định.

Không ít nhà đầu tư cho rằng, với lực đỡ tích cực cộng với diễn biến phục hồi nhanh của thị trường địa ốc thì bất động sản sẽ tăng trưởng đáng kể. Sốt đất cũng có thể bùng phát xảy ra cục bộ, trong ngắn hạn ở một số nơi nếu như nơi đó có tín hiệu tích cực về sự thay đổi cơ sở hạ tầng.

Nhìn vào chu kỳ của thị trường địa ốc thời gian quan, TS. Vũ Đình Ánh từng chia sẻ, một điều có thể thấy là ngay trước khi đợt dịch xảy ra, quý 1/2021, tín hiệu bất động sản, sốt đất xảy ra ở nhiều địa phương. Báo cáo của Bộ Xây dựng về biến động giá trong 6 tháng đầu năm cho thấy, sốt đất không chỉ là phân khúc bất động sản nhà ở mà còn ở cả phân khúc khác như khu công nghiệp.

Với chu kỳ dịch kiểm soát và sốt đất bùng nổ thì dự báo về nguy cơ sốt đất xảy ra của giới đầu tư và chuyên gia là điều hoàn toàn có cơ sở.

VinHomes (VHM) lãi ròng gần 11.200 tỷ đồng trong quý 3

Lãi ròng 9 tháng của VinHomes đạt 27 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 10 nghìn tỷ so với cùng kỳ.

Theo đó, tổng doanh thu thuần hợp nhất ghi nhận trong quý 3/2021 đạt 20.679 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 13.812 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất sau thuế thuộc về công ty mẹ đạt 11.167 tỷ đồng, đều tăng trưởng 84% so với cùng kỳ năm 2020. 

Lợi nhuận quý 3 của Vinhomes công bố cho đến thời điểm hiện tại là cao nhất trong số các doanh nghiệp niêm yết.

Lợi nhuận tăng chủ yếu từ việc bàn giao nhiều căn hộ thấp tầng với biên lợi nhuận cao hơn. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) trong quý đạt 2.586 đồng.

Tại thời điểm 30/9/2021, tổng tài sản Vinhomes đạt 219.639 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 119.542 tỷ đồng, tăng tương ứng ở mức 4% và 34% so với thời điểm 31/12/2020.

Trong quý 3/2021, Chính phủ tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt để kiểm soát dịch Covid-19, đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tuy nhiên, Vinhomes cho biết vẫn duy trì ổn định hoạt động kinh doanh nhờ chuyển đổi mạnh mẽ từ nền tảng offline (bán hàng trực tiếp) sang nền tảng online (bán hàng trực tuyến). 

Trong quý 4/2021, Chính phủ đã ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Vinhomes thông tin sẽ linh hoạt thích ứng, chớp thời cơ nhanh chóng để hoàn thành các mục tiêu kinh doanh, phát triển các dự án mới. Nền tảng số cũng tiếp tục được đầu tư, củng cố nhằm thích ứng với dịch bệnh và tạo tiền đề bứt phá mạnh mẽ cho các giai đoạn tiếp theo.

Giá thuê phòng giảm mạnh, khách sạn ngưng thi công vì dịch COVID-19

Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư đã khiến các dự án khách sạn 5 sao tại Hà Nội, TPHCM phải tạm dừng thi công trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Theo báo cáo thị trường khách sạn quý 3/2021 do CBRE Việt Nam công bố, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và gây ra nhiều biến động lớn đối với nền kinh tế, ngành du lịch và thị trường khách sạn. Cuối tháng 9/2021, Chính phủ đã bắt đầu nới lỏng chính sách giãn cách xã hội và tiến hành các biện pháp nhằm phục hồi đời sống cũng như kinh tế cho người dân.

Tuy nhiên, thị trường khách sạn sẽ chưa thể bắt đầu hồi phục khi việc mở cửa hàng không, tiếp đón du khách vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Việc lựa chọn thí điểm mở cửa dần các thành phố du lịch cũng sẽ là yếu tố quan trọng khôi phục ngành du lịch cũng như đảm bảo sự an toàn cho du khách. Một số địa phương đạt tỷ lệ tiêm chủng đề ra sẽ có khả năng đón tiếp du khách quốc tế sớm nhất thông qua chính sách “hộ chiếu vắc xin”. Đây sẽ là cơ hội tốt cho thị trường du lịch Việt Nam có điểm bắt đầu trong việc phục hồi công suất phòng vốn đã bị sụt giảm nghiêm trọng từ năm 2020.

Nhiều khách sạn ở Hà Nội dừng thi công

Tại Hà Nội, do nhiều khách sạn thực hiện giãn cách xã hội nên phải hoạt động với một phần nhỏ công suất. Trong quý 3/2021, giá phòng bình quân đạt 94,4 USD, giảm 3,9% so với quý 3/2020 và giảm 16,4% so với quý 3/2019. Tương tự, công suất phòng bình quân đạt 26,2%, giảm 54,7% so với cùng kỳ 2019.

Sự bùng phát của làn sóng COVID-19 thứ tư đã khiến các dự án phải tạm dừng thi công trong giai đoạn giãn cách xã hội. Trong năm 2022, dự kiến thị trường khách sạn sẽ chỉ chào đón thêm 1 dự án mới là khách sạn Grand Mercure Hà Nội. Tuy nhiên, việc kiểm soát tốt dịch bệnh cùng với việc đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin sẽ góp phần giúp các dự án như Westin Hà Nội, Four Seasons Hà Nội và Hilton Hà Nội Westlake nhanh chóng phục hồi việc xây dựng và dự kiến đi vào hoạt động năm 2023. Hầu hết các dự án này đều là khách sạn 5 sao nên sẽ tạo ra sự cạnh tranh gay gắt ở phân khúc này trong tương lai, đòi hỏi các khách sạn hiện hữu phải liên tục đổi mới, cải tạo để giữ được vị thế của mình trên thị trường.

Kết thúc quý 3/2021, thị trường khách sạn 4-5 sao ở Hà Nội có tổng cộng 5.337 phòng với 38 dự án. Từ nay đến cuối năm 2021, nguồn khách chính vẫn được kỳ vọng vào lượng khách chuyên gia hoặc khách doanh nhân từ các địa phương khác đến Hà Nội làm việc khi giãn cách xã hội được nới lỏng. Việc Hà Nội cho phép mở lại các cơ sở lưu trú cùng với việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng sẽ là những bước đi nhằm vực dậy du lịch trong nước.

Giá thuê phòng ở TPHCM giảm mạnh

Tại TPHCM, trước những diễn biến phức tạp của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, TPHCM đã buộc phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Giãn cách kéo dài góp phần tạo thêm sức ép cho du lịch và khách sạn tại TPHCM.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, lượng khách nội địa đến TPHCM tiếp tục đà giảm 31% so với cùng kỳ, còn khách du lịch quốc tế hầu như không có. Tính đến hết quý 3/2021, thị trường khách sạn 4-5 sao tại TPHCM có tổng cộng 11.182 phòng với 51 dự án.

Giá phòng bình quân quý 3/2021 chỉ đạt 61 USD, giảm 26,8% so với cùng kỳ 2020. Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục kéo dài với diễn biến khó lường, các khách sạn đã chủ động chuyển đổi mô hình kinh doanh để nhanh chóng thích nghi như đăng ký làm cơ sở cách ly có trả phí, hoặc cung cấp dịch vụ lưu trú dài hạn.

Công suất phòng tuy đã có sự thay đổi tương đối tích cực hơn so với các giai đoạn dịch trước đây, nhưng thị trường khách sạn 4-5 sao sẽ còn gặp nhiều khó khăn do mức giá thuê phòng bình quân vẫn duy trì ở mức khá thấp. TPHCM hiện đang từng bước nới lỏng lệnh giãn cách xã hội, cho phép một số hoạt động kinh doanh dịch vụ được vận hành trở lại với điều kiện đảm bảo yêu cầu an toàn về phòng chống dịch.

Lộ trình khôi phục hoàn toàn về trạng thái “bình thường mới” của TPHCM dự kiến trong quý 4/2021. Do đó, thị trường khách sạn 4-5 sao được kỳ vọng hồi phục và có nhiều bước tiến hơn trong năm tiếp theo.

Bộ Xây dựng tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

Đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, kinh tế – xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân khi lan rộng ra nhiều tỉnh/thành phố, đặc biệt đối với các tỉnh/ thành phố lớn như: TP. HCM, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai,…

Thị trường gặp nhiều khó khăn

Theo báo cáo sơ bộ của Bộ Xây dựng mới đây, trong 6 tháng đầu năm, thị trường bất động sản vẫn có dấu hiệu và một số chỉ số tương đối khả quan như: về nguồn cung có 180 dự án với 55.576 căn, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020; về lượng giao dịch có 55.335 giao dịch thành công tăng 29% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, dưới tác động kéo dài và sự bùng phát mạnh của đợt dịch tiếp theo từ cuối tháng 4 và đặc biệt cao điểm trong cuối tháng 7, khi nhiều địa phương, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện cách ly, giãn cách theo chỉ đạo của Chính phủ thì hầu hết các ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng nặng nề. Thị trường bất động sản trong quý III/2021 cũng gặp nhiều khó khăn hơn.

Cụ thể, tại nhiều địa phương đặc biệt là tại Hà Nội, TP. HCM, Bình Dương,… các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản phải tạm dừng hoạt động nên hầu như các dự án bị ngưng trệ, không có dự án được hoàn thành và mở bán. Các bất động sản giao bán trên thị trường chủ yếu từ nguồn cung của các dự án mở bán trong giai đoạn trước. Theo thống kê sơ bộ, số lượng nhà ở đủ điều kiện bán khoảng 20.000 căn, tương đương khoảng 60 – 70% so với quý II/2021.

Lượng giao dịch bất động sản thành công giảm mạnh so với quý II/2021 tại các địa phương thực hiện giãn cách triệt để, hoạt động đi lại, giao dịch, kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp, người dân không thể thực hiện được, nhiều khu vực thị trường có hiện tượng “đóng băng tạm thời”.

Theo thống kê sơ bộ thì tỷ lệ hấp thụ các loại bất động sản nhà ở đều chỉ đạt khoảng 40% lượng chào bán trên thị trường; riêng loại hình đất nền lượng hấp thụ đạt cao hơn, khoảng 50% lượng chào bán trên thị trường.

Đáng chú ý, về giá giao dịch, tại nhiều địa phương do thực hiện giãn cách nên giao dịch bất động sản thành công hầu như không đáng kể. Tuy nhiên, giá chào bán, cho thuê bất động sản hầu như không có biến động lớn, các chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh bất động sản vẫn giữ mức giá chào bán đã thiết lập từ cuối quý II/2021.

Cụ thể, giá căn hộ chung cư đều vẫn giữ giá hoặc vẫn tăng nhẹ (khoảng 1 – 2%); giá nhà ở riêng lẻ, đất nền giảm (khoảng 1 – 2%); giá mặt bằng thương mại cho thuê, căn hộ, nhà ở cho thuê mặt bằng giá giảm chung khoảng 2% – 3%, ngoài ra chủ cho thuê thực hiện hỗ trợ giảm giá trực tiếp 10 – 20 % tùy theo từng điều kiện cụ thể.

Diễn biến về giá giao dịch các loại bất động sản cho thấy rõ nét nhất về ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh lên thị trường bất động sản, cụ thể:

Ngay từ đầu năm, do gặp khó khăn trong hầu hết các hoạt động, lĩnh vực đầu tư, kinh doanh khác, các nhà đầu tư và kể cả người dân xem bất động sản như một kênh đầu tư an toàn, có thể bảo toàn nguồn vốn trong dài hạn; nguồn vốn dịch chuyển vào đầu tư nhà, đất cùng với tác động của nhiều yếu tố khác đã tạo nên các cơn sốt đất nền cục bộ, nhưng xuất hiện ở nhiều địa phương trên cả nước; đỉnh điểm giá đất nền tại một số khu vực, địa phương tăng 30 – 50% so với thời điểm cuối năm 2020.

Cùng với sự khó khăn, thậm chí đứt gãy trong sản xuất, cung ứng giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào của các dự án bất động sản tăng, đặc biệt là các sản phẩm phải nhập khẩu. Có thời điểm, giá sắt thép đã tăng xấp xỉ 30 – 40% so với cuối năm 2020, vật liệu xây dựng khác, như: Xi măng, cát, gạch… cũng tăng, từ đó, làm tăng giá thuế của hầu hết các loại hình, phân khúc bất động sản. Từ đầu năm, giá bán nhà ở các phân khúc bình dân, trung cấp, cao cấp đều có xu hướng tăng, càng làm tăng khó khăn về giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng có thu nhập thấp.

Ngược với xu hướng tăng giá bán của hầu hết các loại hình bất động sản, do khó khăn trong các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, du lịch, giá cho thuê các loại bất động sản lại giảm. Giá cho thuê mặt bằng thương mại giảm 10 – 20% thậm chí cao hơn tùy theo thời điểm, điều kiện cụ thể của từng khu vực.

Bộ Xây dựng tháo gỡ khó khăn

Ngay trong tháng 10/2021 vừa qua, Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội khu vực phía Nam đã được Bộ Xây dựng tổ chức trong Chương trình của Tổ công tác đặc biệt của Bộ Xây dựng. Hội nghị nhằm rà soát tình hình tại các khu vực phía Nam, nhằm lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân, qua đó kịp thời có các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Kịp thời bảo đảm an sinh xã hội, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội và phân bổ nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, cơ quan này đã có văn bản số 2472/BXD-QLN báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp, trong đó, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ bố trí đủ nguồn vốn theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 41/NQ-CP, Nghị quyết số 84/NQ-CP (khoảng 3.000 tỷ đồng) để phát triển nhà ở xã hội, bao gồm nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp.

Ngoài ra, nhằm đảm bảo công tác quản lý nhà nước vẫn liên tục, thông suốt, kịp thời đáp ứng yêu của của doanh nghiệp và người dân tháo gỡ vướng mắc khó khăn, Bộ đẩy mạnh áp dụng, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục hành chính đảm bảo được thực hiện thường xuyên, không bị gián đoạn; Xây dựng kịch bản ứng phó với từng cấp độ dịch Covid-19 tại trụ sở Bộ Xây dựng; hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp trong đơn vị; triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều hành nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, không để gián đoạn, đặc biệt là những nhiệm vụ, công việc có thời hạn.

“Người có tiền vẫn lựa chọn bất động sản để đầu tư”

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Vietnam tại Hội thảo “Triển vọng thị trường bất động sản sau dịch Covid-19” do báo Tiền Phong tổ chức.

Theo ông Nguyễn Hoàng, tâm lý tích cực phục hồi trên thị trường trong một tháng qua, các chủ đầu tư đang cố gắng giành giật lại những gì đã mất trong thời gian giãn cách xã hội. Trong thời gian giãn cách nhiều người lo lắng thị trường bị đóng băng nhưng chỉ trong tháng 7, sang tháng 8, tháng 9 doanh nghiệp đã chuyển sang bán hàng online… thị trường bất động sản bắt đầu khởi sắc.

“Điều đó cho thấy thị trường BĐS có những suy giảm đáng kể nhưng vẫn có những chuyển biến tích cực, người có tiền vẫn lựa chọn BĐS là kênh đầu tư”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Hoàng, từ nửa cuối quý 2/2021 đến nay, có một số điểm đáng chú ý có thể tác động đến mặt bằng giá bất động sản. Tuy nhiên, nhìn chung giá bất động sản không có nhiều biến động. Xu hướng căn hộ hạng C (nhà ở vừa túi tiền) gần như bị biến mất trong hai năm qua. Bên cạnh đó, thị trường BDS du lịch nghỉ dưỡng cũng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Theo ông Nguyễn Hoàng, người có tiền vẫn chọn bỏ vào kênh BĐS

Xu hướng trong quý 4/2021, từ đầu tháng 10 đến nay, việc giãn cách xã hội đã từng bước được nới lỏng, các hoạt động kinh tế – xã hội cũng dần trở về trạng thái bình thường mới. Thị trường bất động sản luôn nhanh nhạy phản ứng trước những thông tin chỉ đạo tích cực của chính quyền địa phương về mọi khía cạnh đời sống.

Dự báo về thị trường BĐS cuối năm, ông Nguyễn Hoàng cho biết, nguồn cung mới và sức mua về cơ bản sẽ tích cực hơn quý 3, không chỉ ở Tp.HCM mà cả các địa phương lân cận khác. Nguồn cung mới trong phân khúc căn hộ có thể sẽ tăng nhẹ trong quý 4 tương đương hoặc nhỉnh hơn một chút so với quý 2, 3 (khoảng 4.000 căn hộ). Sức mua chung trong quý 4, về cơ bản sẽ diễn biến tương tự hoặc tăng nhẹ so với quý 3, nhưng vẫn suy giảm so với quý 1 hoặc cùng kì năm 2020.

Nguyên nhân theo vị chuyên gia này, do người mua bị ảnh hưởng về thu nhập, một số khác cũng đang thận trọng quan sát. Ngoài ra, thị trường thứ cấp chưa tích cực và việc này cũng tác động đến sức mua của thị trường sơ cấp. Điểm sáng của quý 4 vẫn dựa vào những người có tiềm lực tài chính lựa chọn bất động sản là kênh hàng đầu để đầu tư lâu dài và đa dạng hoá, bảo toàn giá trị tài sản.

Cùng với đó, đất nền các tỉnh giáp ranh vẫn là dòng sản phẩm được ưu tiên hàng đầu. Có thể tuy không sôi động như giai đoạn đầu năm 2021 nhưng vẫn sẽ có lượng giao dịch đáng kể, đặc biệt tại các địa phương có các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.

Trong khi, phân khúc căn hộ, đặc biệt căn hộ tầm trung sẽ luôn được những người có kế hoạch mua nhà tìm kiếm và lựa chọn. Tuy nhiên, nguồn cung mới ở phân khúc căn hộ có thể tiếp tục hạn chế, chủ yếu là những dự án đã có sự chuẩn bị từ trước. Dự báo nguồn cung mới quý 4, theo ông Hoàng, toàn bộ khu vực Tp.HCM và vùng phụ cận có thể có 3.500 – 4.500 căn hộ được đưa ra thị trường. Trong đó, Tp.HCM và Bình Dương vẫn dẫn đầu với khoảng 2.000 – 3.500 căn, tuỳ điều kiện thị trường mà các chủ đầu tư đưa ra lượng hàng phù hợp. Dự kiến, nguồn cung căn hộ của Tp.HCM và vùng phụ cận cả năm 2021 tương đương 55% so với năm 2020.

Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa có nhiều dấu hiệu tích cực do các hoạt động du lịch vẫn chưa thể phục hồi mạnh cho đến hết năm 2021, ngoại trừ một vài địa phương có kế hoạch áp dụng hộ chiếu xanh.

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng cho biết, trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã có nhiều ảnh hưởng, tác động đối với nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt thông qua nhiều Nghị quyết, Chỉ thị. Đồng thời các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động có nhiều giải pháp hợp lý, sử dụng hiệu quả các công cụ điều tiết chính như: tín dụng, thuế, đất đai, quy hoạch…nên thị trường bất động sản tuy có bị suy giảm nhưng không rơi vào trạng thái “trầm lắng”, “đóng băng” toàn diện mà chỉ giảm phát ở một số phân khúc như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, văn phòng cho thuê…so với các năm trước đó.

Các số liệu trong 6 tháng đầu năm 2021 của thị trường bất động sản đã cho thấy dấu hiệu dần phục hồi khi đợt dịch thứ 3 được kiểm soát, có một số chỉ số tương đối khả quan. Về nguồn cung, có 180 dự án với 55.576 căn (tăng 23%) so với cùng kỳ năm 2020. Về lượng giao dịch, có 55.335 giao dịch thành công (tăng 29%) so với cùng kỳ năm 2020.

Trong các tháng cuối quý I, thị trường có hiện tượng sốt giá cục bộ ở một số phân khúc và một số địa phương nhưng đã được kiểm soát kịp thời. Sang đến quý 32021, khi nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, Tp.HCM thực hiện cách ly, giãn cách triệt để, nghiêm ngặt thì hầu hết các ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng, thiệt hại lớn. Thị trường bất động sản trong quý 3 gặp nhiều khó khăn hơn so với quý 2.

Cầm 2-3 tỉ đồng, mua BĐS vùng ven thế nào để tránh “mất cả chì lẫn chài”

Những nhà đầu tư có mức sống trung bình, có trong tay 2-3 tỉ đồng hoặc vài trăm triệu đồng, có thu nhập ổn định để vay thêm có thể đầu tư bất động sản vùng ven.

Đó là lời khuyên của TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế tại toạ đàm BĐS mới đây. Theo vị chuyên gia này, bất động sản vùng ven có tính ổn định trong thời gian dài, phù hợp mọi đối tượng từ đại gia đến người lao động. Còn người có tiền rất biết cách nhìn nhận vùng nào tiềm năng và họ thường mua để dành 5-7 năm với kỳ vọng tăng giá nhiều lần.

Trong khi đó, với người lao động muốn tìm chỗ an cư lạc nghiệp sẽ tìm những khu đất 100-200m2, xây nhà có sân vườn thì đất nền vùng ven là lựa chọn vừa túi tiền với mục đích kép vừa có nơi ở, vừa tích lũy giá trị gia tăng của tài sản.

Tuy nhiên, bất động sản hiện nay khó để lướt sóng, đặc biệt BĐS vùng ven. Do đó, những nhà đầu tư có mức sống trung bình, có trong tay 2-3 tỉ đồng hoặc vài trăm triệu đồng và có thu nhập ổn định để vay thêm có thể đầu tư bất động sản vùng ven tích hợp các yếu tố giá trị gia tăng là đô thị hóa và hạ tầng kết nối tốt.

Đồng thời, để biết được giá trị thực khu đất và tiềm năng phát triển trong tương lai, nhà đầu tư nên lấy giá đất tại một điểm nào đó để làm chuẩn, từ đó đối chiếu qua đất ở các vùng lân cận.

Từ kinh nghiệm cá nhân, ông Hiển cho hay, người mua nên lấy giá căn hộ Tp.HCM làm trung tâm. Bởi thị trường căn hộ là thị trường chuẩn nhất của nhà ở và quy mô rất lớn về sản lượng và tính thanh khoản nên giá ở thị trường này là đáng tin cậy. Từ đó, đối chiếu qua nhà phố, đất ở các vùng lân cận để làm cơ sở tham chiếu.

 

Theo ông Hiển, giá đất vùng ven còn khá mềm, tùy khẩu vị của mỗi người lựa chọn ở khu vực nào. Mỗi khu vực đều có những tiềm năng hấp dẫn riêng.

Theo các chuyên gia, BĐS vùng ven là “chiếc bánh” hấp dẫn cho mọi đối tượng nhà đầu tư từ những người có vốn tích luỹ khiêm tốn. Tuy nhiên, không phải ai nhảy vào thị trường này cũng đều thu về “quả ngọt”, nếu không cẩn trọng người mua có nguy cơ mất cả chì lẫn chài.

Theo chuyên gia BĐS cá nhân Phan Công Chánh, so với BĐS trung tâm thì BĐS vùng ven có những điểm yếu, chẳng hạn về tính thanh khoản.  Do vậy, nhà đầu tư cần hoạch định kỹ lưỡng, có chiến lược đầu tư trung – dài hạn mới nên chọn BĐS vùng ven.

Từ kinh nghiệm cá nhân, ông Chánh cũng đưa ra nhiều lưu ý khi chọn loại hình bất động sản này.

Trước hết là vấn đề về pháp lý. Có sổ đỏ mới nghĩ đến vấn đề giao dịch.

Tiếp đó là tính thanh khoản. Phải trả lời được các câu hỏi, nếu có nhu cầu chuyển khoản đầu tư đó thành tiền, phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân thì bất động sản đó có dễ dàng bán được không, có người sẵn lòng quan tâm mua không?

Thứ ba là vấn đề quy hoạch. Khi quy hoạch có những thay đổi hay điều chỉnh, chúng ta không kiểm tra sẽ dính vào những vướng mắc quy hoạch khiến nhà đầu tư phải bán rẻ, bán tháo để thu tiền về.

Mặt khác, bất động sản đó phải có sức sống thật, được thể hiện qua mật độ dân cư và tiện ích xung quanh.

Thứ tư là về khả năng tài chính. “Đầu tư bất động sản vùng ven là đầu tư trong trung và dài hạn nên sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức thấp, khoảng 50% đổ lại. Điều này chỉ áp dụng ở thời điểm kinh tế ổn định. Còn trong thời gian này, khi kinh tế có khá nhiều biến động, có thể hạ đòn bẩy xuống mức khoảng dưới 30%”.

“Tóm lại, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ mọi thông tin trước khi giao dịch, nhất là trong bối cảnh thị trường liên tục xuất hiện các cơn sốt khiến giá cả bị đẩy lên phi mã”, ông Chánh dành lời khuyên.

Đồng quan điểm, ông Nhữ Mạnh Hải, Phó Tổng giám đốc Trần Anh Group cho biết, khi đầu tư BĐS vùng ven nhà đầu tư cần xác định trước hết mục đích của mình là như thế nào. Nếu mua đất để lướt sóng giao dịch nhanh thì nên chọn những khu vực gần trung tâm, đông dân và đầy đủ tiện ích, khu vực gần sông hồ, cơ sở hạ tầng giao thông hoàn thiện…đây là những nơi có giá trị bất động sản tăng nhanh.

Ngược lại nếu mục đích đầu tư trung và dài hạn thì tìm những khu vực có nhiều tiềm năng như cơ sở hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư mạnh mẽ, các khu công nghiệp đang hình thành…đây là những nơi có giá đất còn rẻ và tăng dần trong thời gian tới.

Ông Hải cho rằng, người mua nhà đất vùng ven cần chậm rãi để thẩm định thông tin bất động sản đó chứ không nên mua vội. Những câu hỏi cần được đặt ra là những ai sẽ mua lại mảnh đất này? Tiềm năng, lý do khu đất sẽ tăng giá? Thời gian đầu tư và mức kì vọng lợi nhuận như thế nào?

Các chuyên gia cảnh báo, người mua bất động sản vùng ven cần tỉnh táo không mua đất chỉ theo những lời giới thiệu hoặc quảng cáo của môi giới bởi có khả năng họ cố tình thêu dệt thông tin chỉ với mục đích bán được hàng.

Nhà đầu tư rục rịch đi xem đất nền tỉnh lân cận Sài Gòn sau giãn cách

Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu… bắt đầu rục rịch trở lại ngay sau thời điểm nới giãn cách. Lượng nhà đầu tư đi xem đất đã rộn ràng trở lai, tuy nhiên, không ít trong số đó còn dè dặt vì sợ dịch tái bùng phát.

Đúng như dự báo của các chuyên gia trong ngành, những ngày gần đây, thị trường BĐS tỉnh lận cận Tp.HCM đã có tín hiệu rộn ràng trở lại sau giãn cách. Trong đó, lượng nhà đầu tư đi xem đất nhiều hơn, môi giới BĐS cũng chốt cọc khả quan hơn. Nếu như nguồn cung đất nền Tp.HCM vẫn khan hiếm thì BĐS tỉnh còn dồi dào hơn. Nhiều chủ đầu đã “xuống tiền” thời điểm này, canh thời điểm dịch ổn định hẳn để chốt lời sau đó.

Anh Nguyễn Văn Th, một môi giới BĐS đang bán đất nền tai Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, hiện các nhà đầu tư đã rục rịch đi xem đất. “Mấy ngày nay em dẫn khách đi xem đất nhiều nè chị. Trong đó, giỏ hàng của công ty nhiều khách cọc lắm. Có khách thì cọc liền, khách thì xem xét thêm…”, môi giới này cho hay.

Nhà đầu tư rục rịch đi xem đất nền tỉnh lân cận Tp.HCM sau nới giãn cách

Anh Q, một môi giới khu vực Nhơn Trạch (Đồng Nai) cũng cho hay, mấy ngày nay khách đầu tư từ Tp.HCM đã bắt đầu rục rịch về Nhơn Trạch để tìm hiểu đất nền. Lượng hàng môi giới chào khách cũng đa dạng hơn. Trong đó, có nhóm NĐT đã xem xét trước đó, chỉ chờ đi xem đất là cọc. Còn nhóm khác thì chỉ đi xem, chưa sẵn sàng xuống tiền. “Tâm lý của các NĐT thời điểm này cũng còn khá dè dặt, vì họ sợ bùng dịch lại. Nhưng những NĐT có sẵn dòng tiền, đã ngắm nghía được BĐS trước đó thì xuống cọc nhanh”, ah Q cho hay.

Theo ghi nhận, ngoài Tp.HCM thì BĐS các tỉnh lân cận phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu …ngay những ngày đầu nới lỏng giãn cách thì nhu cầu đi xem đất, thực hiện các thủ tục công chứng mua bán, nộp hồ sơ sang tên tại đang khá nhộn nhịp.

Khách đầu tư đi xem đất tại Đồng Nai

Long An là địa phương đầu tiên nới lỏng với Tp.HCM, và cũng là nơi có lượng khách đi xem rất lớn trong 2 tuần qua. Theo ông Đoàn Thiên Việt, một NĐT BĐS kì cựu, bên cạnh Long An, Đồng Nai được nới lỏng từ ngày 14/10 và cũng đã nhộn nhịp ngay. Các văn phòng đăng ký đã nhận hồ sơ trực tiếp một cửa, lượng người nộp rất nhiều. Các dự án đã đón từng đợt khách rất nhộn nhịp. Bà Rịa Vũng Tàu nới lỏng cho người Tp.HCM lưu thông ngay ngày cuối tuần, số lượng người chờ làm thủ tục thông chốt rất đông và ùn ứ ở các tuyến đường.

“Có lẽ sức hút từ những thông tin Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, các khu đại đô thị lớn đang được thông qua đã tạo nên sự quan tâm rất lớn cho khu vực này”, ông Việt cho hay.

Trong khi đó, tại Lâm Đồng cũng được nhiều người ngóng chờ nới lỏng để đến tham quan và giao dịch.

Theo ông Việt, các khu vực trên sẽ là những thỏi nam châm thu hút sự quan tâm lớn của NĐT BĐS trong thời gian tới, nổi bậc nhất là cung đường Đồng Nai- Bà Rịa Vũng Tàu.

Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội

Ngày 28/10, Bộ Xây dựng có Văn bản số 4430/BXD-QLN gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ KH&ĐT đề xuất gói tín dụng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội (NƠXH) trong chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 với số tiền 15.000 tỷ đồng.

Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, thời gian vừa qua,đặc biệt là từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đến nay cho thấy các khu nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp là những khu vực chịu tác động lớn nhất của đại dịch do tập trung đông lao động, nhất là tại các tỉnh phía Nam (trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An ..) là các địa phương có nhiều khu công nghiệp,đã chịu ảnh hưởng nặng nề về sức khoẻ người dân, về kinh tế, v.v..

Do những diễn biến phức tạp, khó lường từ biến thể Delta và các chủng virus mới, dẫn tới nhiều khó khăn trong việc đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch và ổn định đời sống, việc làm của người lao động. Chính vì vậy, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế.

Trước nhu cầu cấp thiết về nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân tại các khu công nghiệp, Bộ Xây dựng đã đề xuất gói tín dụng 15.000 tỷ đồng, cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại để thực hiện phát triển nhà ở xã hội theo các quy định.

Trong đó, 14.000 tỷ đồng được bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, để cho các đối tượng quy định tại Khoản 1, 4, 5, 6, 7 Điều 49 Luật Nhà ở vay để mua, thuê, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.

Cùng với gói tài chính 15.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng cũng đề nghị bổ sung 1.000 tỷ đồng, vốn cấp bù lãi suất phân bổ cho các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, để cho các đối tượng tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề nghị, trong quá trình quy hoạch khu công nghiệp, UBND cấp tỉnh phải bố trí đất làm nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê phải đảm bảo đáp ứng tối thiểu 50% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở, có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ khu nhà ở công nhân, tuy nhiên phải bố trí riêng biệt với khu sản xuất, văn phòng.

Theo Bộ Xây dựng, nhu cầu về nhà ở xã hội cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2025 khoảng 294.600 căn, tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng, bao gồm: Nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị khoảng 131.100 căn, tổng mức đầu tư khoảng 138.000 tỷ đồng. Nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là 163.500 căn, tổng mức đầu tư khoảng 82.000 tỷ đồng.

Hiện nay, số lượng các dự án đang triển khai thực hiện là 278 dự án , với quy mô xây dựng khoảng 274.000 căn, tổng mức đầu tư khoảng 214.000 tỷ đồng, bao gồm: Dự án nhà ở cho người thu nhập thấp 178 dự án với quy mô xây dựng khoảng 140.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 147.000 tỷ đồng; Dự án nhà ở cho công nhân khu công nghiệp 100 dự án với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 67.000 tỷ đồng. Đây là các dự án đang triển khai thực hiện nhưng hầu hết chậm tiến độ do thiếu vốn, đặc biệt là sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc.